Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Chung cư sắp phải xây bãi đỗ trực thăng?

Toà nhà Keangnam Hà Nội có bãi đáp trực thăng áp dụng quy chuẩn nước ngoài. Ảnh: Như Ý.Toà nhà Keangnam Hà Nội có bãi đáp trực thăng áp dụng quy chuẩn nước ngoài. Ảnh: Như Ý.

Xây không khó

Những năm gần đây tại Hà Nội, các tòa chung cư cao vài chục tầng mọc lên như nấm. Đã xuất hiện dự án chung cư cao tầng được quảng bá có bãi đáp trực thăng. Tuy nhiên, việc cấp phép hay tiêu chuẩn xây dựng toà nhà có bãi đáp trực thăng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng lên tiếng chính thức. Vì vậy, dù đã có tòa nhà có bãi đáp trực thăng nhưng chưa một lần trực thăng đỗ.

Cuối năm 2010, chủ dự án tòa nhà Keangnam Landmark Tower, Hà Nội có văn bản xin phép Bộ Xây dựng về việc xây bãi đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà này. Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời, trong đó hướng dẫn “việc lắp đặt thiết bị và sử dụng sân bay trực thăng trên mái công trình phải tuân thủ theo các yêu cầu tại văn bản số 970/TM-Tg1 ngày 03/6/2008 của Bộ Tổng Tham mưu - Quân đội nhân dân Việt Nam”. Từ đó đến nay, không có thông tin thêm về việc xây sân bay trực thăng tại tòa nhà này. Ngay cả tại trang thông tin giới thiệu của tòa nhà cũng không còn thông tin về bãi đỗ trực thăng.

Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, do chưa có tiêu chuẩn về bãi đáp trực thăng cho chung cư nên chủ đầu tư phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, việc xây bãi đáp chỉ dùng để cứu nạn, cứu hộ còn việc chữa cháy rất khó khăn.

Ông Hoàng Quang Nhu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết, từ trước đến nay, chưa có quy định nào về xây chung cư cao tầng phải có bãi đáp trực thăng. Tuy nhiên, “chủ đầu tư hoàn toàn làm được việc xây dựng bãi đáp trực thăng với chung cư cao trên 100m (tương đương cao trên 30 tầng). Quan trọng là chủ đầu tư phải tính toán tải trọng khi trực thăng đáp xuống. Vì vậy, chi phí xây dựng phải tốn kém hơn. Mái để bãi đỗ trực thăng khác với mái thông thường”, ông Nhu nói.

Ông Trịnh Việt Cường, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng), khẳng định, cuối năm 2016 sẽ xong đề án tiêu chuẩn cho tòa nhà cao tầng có bãi đáp trực thăng. Theo ông Cường, ngoài việc quy định liên quan tải trọng, tiêu chuẩn cũng phải tính toán đến khoảng cách giữa các tòa nhà.

Đồng tình với việc xây bãi đáp trực thăng với chung cư cao tầng, nhiều chủ đầu tư lạc quan về tính toán chi phí. Ông Trần Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc Cty Handico 5, cho rằng, theo tiêu chuẩn xây dựng, chung cư cao tầng cũng phải tuân thủ việc chịu tải khi xảy ra động đất. Tòa nhà đã được tính toán chịu được động đất chắc chắn sẽ chịu tải được trực thăng. Vì vậy, chủ đầu tư chỉ phải mất chi phí xây mặt bằng tầng mái. Chi phí này có tăng, nhưng không đáng kể.

Lãnh đạo Tập đoàn FLC đang thi công chung cư 36 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có bãi đáp trực thăng cho hay, dự án áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Mọi tiêu chuẩn về kết cấu, cửa kính, khoảng cách đều được áp dụng nhưng giá chung cư không tăng.

Người dân sẽ an toàn?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội phân tích, có được điều kiện trên về lâu dài là cần thiết, vì một tòa nhà có tuổi thọ 50 – 70 năm. Hà Nội trong đề án đến năm 2030 sẽ có việc này.

Theo ông Sơn, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thực hiện; trực thăng được dùng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong vụ cháy. “Với Hà Nội, nhiệm vụ này đã được Chính phủ, Bộ Công an, UBND thành phố giao Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tham mưu triển khai tổ chức thực hiện. Chúng tôi đã xây dựng đề án chung phát triển cơ sở của lực lượng PCCC đến năm 2020, trong đó có đầu tư phương tiện nói chung và có nội dung đề cập máy bay trực thăng. Hà Nội đang phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) để xây dựng bộ tiêu chuẩn chung cho tòa chung cư cao tầng”, ông Sơn nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, các chung cư cao tầng được cấp phép xây dựng trong ngõ sâu tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, khó thoát hiểm cho cư dân. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch thiếu đường dành cho xe chữa cháy vào chung cư. Thành phố đã trang bị cho lực lượng PCCC nhiều phương tiện hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng, như xe thang chữa cháy về lý thuyết có thể vươn đến tầng 18, nhưng trong thực tế nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn do khó tiếp cận mục tiêu. Vì vậy, ông Châu kiến nghị, để thực hiện tốt công tác PCCC cho các toà nhà cao tầng, nên trang bị máy bay trực thăng chữa cháy cho Sở Cảnh sát PCCC thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét