Ủng hộ quan điểm phải có đường sắt tốc độ cao, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tỏ ra băn khoăn về kinh phí đầu tư, cần có một nguồn lực rất lớn nhưng không biết hiệu quả ra sao? Đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành hàng không? “Người dân đến tàu hàng còn chưa được đi, nói gì tàu cao tốc”, bà Phóng đề nghị cân nhắc đến hiệu quả đầu tư.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao. Trước mắt sẽ khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h. Theo tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 milimét trên trục Bắc – Nam; sau năm 2050 sẽ tổ chức khai thác với tốc độ 350 km/h. Các tuyến được thí điểm dự kiến là từ Sài Gòn đến Long Thành, Hà Nội – Vinh…
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến có cùng nhận định, ngành đường sắt hoạt động kém hiệu quả nhất trong các loại hình giao thông những năm qua. Để tạo ra bước đột phá, trước tiên phải làm rõ nguyên nhân kém hiệu quả do đâu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa đại diện vốn chủ sở hữu, vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, vừa kinh doanh vận tải chính là điểm mấu chốt dẫn đến bất cập, kém hiệu quả trong hoạt động đường sắt. Bà Nga đề nghị Chính phủ phải sớm cho biết kết quả tái cơ cấu lĩnh vực đường sắt ra sao, định hướng tái cơ cấu như thế nào?
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận, nhưng cần phải giải quyết được lý do tại sao ngành đường sắt lại phát triển chậm hơn các ngành khác, như ngành hàng không chẳng hạn”, bà Nga nêu. Ủng hộ chủ trương tách bạch giữa quản lý và kinh doanh đường sắt, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị luật sửa đổi cần theo hướng đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho tư nhân vào kinh doanh lĩnh vực này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét