Giá dầu giảm mạnh trong những năm gần đây “đe dọa” tới hoạt động kinh doanh của ngành dầu khí. Vì vậy, không ai ngạc nhiên nếu lợi nhuận các ông lớn dầu khí sụt giảm.
Dù vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn khiến nhiều người bất ngờ khi lợi nhuận sau thuế giảm hơn nửa tỷ USD. Không chỉ đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm mạnh, PVN còn gặp áp lực nợ.
Lãi giảm hơn nửa tỷ "đô"
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015 của PVN, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 2015 của Tập đoàn đạt 30.695 tỷ đồng, giảm 12.216 tỷ đồng (hơn nửa tỷ đô), tương ứng 28,5% so với năm 2015.
Giá dầu sụt giảm mạnh chính là nguyên nhân khiến doanh thu đi lùi, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận. Doanh thu năm 2015 tại PVN đạt 293.440 tỷ đồng, giảm 79.967 tỷ đồng (tương đương 3,6 tỷ USD) so với năm 2014.
Trong năm 2015, hoạt động tài chính “gỡ gạc” lại phần nào cho PVN khi tăng khá mạnh. Doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 11.972 tỷ đồng năm 2014 lên 18.730 tỷ đồng năm 2015. Khác với nhiều doanh nghiệp khác, doanh thu hoạt động tài chính của PVN đến từ nhiều nguồn.
Nguồn đầu tiên và quan trọng nhất chính là lãi tiền gửi, tiền cho vay lên tới 6.963 tỷ đồng (con số này năm 2014 thậm chí còn đạt 8.370 tỷ đồng). Ngoài ra, PVC còn được hưởng 4.558 tỷ đồng từ tiền lãi dầu từ Vietsopetro, 4.448 tỷ đồng từ doanh thu khí, condensate,…
Điều đáng nói, trong khoảng thời gian khó khăn như năm 2015, tổng tài sản của PVN giảm nhẹ. Tại thời điểm cuối năm, chỉ tiêu này dừng ở mức 759.258 tỷ đồng, giảm 1.281 tỷ đồng so với năm 2014.
Tài sản dở dang dài hạn là nguyên nhân khiến tài sản PVN đi lùi. Cuối năm, tài sản dở dang dài hạn chỉ đạt 41.268 tỷ đồng, sau khi giảm từ 60.515 tỷ đồng của năm 2014.
Nợ chồng chất
Sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng PVN vẫn phải tăng cường đi vay. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn đạt tới 183.842 tỷ đồng, chiếm 65,4% vốn góp chủ sở hữu.
Nợ quá nhiều khiến PVN phải gánh khoản chi phí lãi vay hành năm rất lớn. Nếu năm 2014, chi phí tài chính tại PVN “chỉ” là 8.316 tỷ đồng thì sang năm 2015, con số này tăng gấp đôi, vọt lên 16.891 tỷ đồng. Chi phí tài chính tại PVN nhiều hơn 50% lợi nhuận sau thuế. Có thể thấy, PVN cũng là một trong các ông lớn bị tiền lãi ngân hàng “ăn mòn” lợi nhuận.
Như vậy, bình quân mỗi ngày, ông lớn ngành dầu khí phải trả gần 23 tỷ đồng tiền lãi.
Điều đáng nói, có vẻ PVN mạnh dạn đi vay trong bối cảnh không thiếu tiền. Cuối năm 2015, lượng tiền và các khoản tương đương tiền tại PVN lên tới 102.086 tỷ đồng. Năm 2014, tiền của PVN thậm chí còn lớn hơn khi đạt 139.316 tỷ đồng.
Cũng như Sabeco hay Habeco, PVN ôm rất nhiều tiền gửi ngân hàng. Năm 2015, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tại PVN là 25.273 tỷ đồng, các khoản tiền gửi ngắn hạn có thời hạn thu hồi gốc hơn hoặc bằng 3 tháng tại các ngân hàng thương mại có giá trị 76.343 tỷ đồng. Tổng số tiền PVN gửi ngân hàng là 101.616 tỷ đồng.
Khoản tiền gửi tiết kiệm khổng lồ này góp phần rất lớn vào việc gia tăng doanh thu tài chính tại PVN. Tiền gửi tiết kiệm khiến PVN đạt 6.963 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay. Lãi tiền gửi tiền cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu tài chính tại PVN.
Trước khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2015, PVN bị bêu tên trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước vi phạm quy định về công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP,
Trong báo cáo tài chính hợp nhất 2015, kiểm toán đã ngoại trừ nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính của PVN như các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty liên doanh Petromacareo (Venezuela), khoản chi phí phải trả liên quan đến các nghĩa vụ, trách nhiệm Tập đoàn phải thực hiện khi dừng tham gia hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi bán đảo Malaysia, một số khoản cho vay của ngân hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét