Hồ sơ bị “om”
“Chúng tôi rất mừng khi Sở Quy hoạch-Kiến trúc có thông báo rút quy định xây nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm. Tuy nhiên, dù thông báo đã tạm dừng nhưng khi doanh nghiệp tiến hành làm các thủ tục để triển khai dự án thì bị ách lại bởi các bộ phận tiếp nhận hồ sơ liên quan cũng đang phải chờ và xin ý kiến về việc này”, đại diện một dự án nhà thương mại tại quận Thanh Xuân cho biết.
Theo đại diện doanh nghiệp trên, các thủ tục liên quan đến dự án đã xong, chỉ còn chờ Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng là triển khai thi công, nhưng khi có thông báo về quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm thì mọi việc bị ách lại, khiến doanh nghiệp lo lắng. “Theo thoả thuận quy hoạch được phê duyệt dự án chúng tôi có 2 tầng hầm, nay nếu phải có 3 tầng hầm thì bắt buộc phải làm lại hồ sơ thiết kế và coi như quy trình là phải làm lại từ đầu. Điều này sẽ gây khó khăn và mất thêm nhiều công sức, thời gian của doanh nghiệp”, vị cán bộ doanh nghiệp cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều dự án nhà ở cao tầng sau khi có thông báo quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm đang bị đình lại vì mỗi khi liên hệ với các ban ngành liên quan để hoàn thành thủ tục thì chỉ được báo phải chờ. Ngay cả các dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án đất đấu giá cũng trong tình cảnh phải chờ, phải xin ý kiến nếu trong thiết kế không đủ 3 tầng hầm. “Với quy định này chúng tôi không biết phải làm như thế nào trong lúc này. Dự án của chúng tôi thuộc quỹ đất đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho nhà nước, còn về quy hoạch đã duyệt chiều cao 19 tầng với 1 tầng hầm. Khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng họ vẫn nhận nhưng bảo là phải chờ, phải xin ý kiến của thành phố”, lãnh đạo Cty phát triển Nhà Hà Nội cho biết.
Một số doanh nghiệp cho rằng, thay vì quy định cứng nhắc phải có 3 tầng hầm thì để đảm bảo diện tích chỗ để xe, cơ quan quản lý nên cho doanh nghiệp quyền tự hoán đổi miễn làm sao đảm bảo chỗ để xe cho cư dân toà nhà. “Thật ra quy định này không đúng tinh thần quy hoạch. Bởi yêu cầu quy hoạch là nhà cao tầng phải đủ chỗ để xe cho tất cả các căn hộ trong tòa nhà. Hơn nữa, giờ nhiều toà nhà ngoài thiết kế tầng hầm, còn sử dụng từ các tầng nổi để làm chỗ đỗ xe. Chẳng hạn như toà nhà Keangnam họ thiết kế đến 5- 8 tầng nổi làm nơi để xe nếu cứ cứng nhắc phải 3 tầng hầm thì quá áp đặt”, một chủ đầu tư phân tích.
Doanh nghiệp vẫn phải chờ
Một cán bộ có trách nhiệm của Sở Xây dựng cho biết, thực tế hiện có rất nhiều hồ sơ dự án đang bị “tắc”, không chỉ là các dự án mới bắt đầu triển khai mà kể cả với những trường hợp, những dự án đủ điều kiện. “Đúng là có tình trạng trên. Nhưng việc này chúng tôi chỉ có mỗi cách là báo cáo xin ý kiến của thành phố chứ không dám tự giải quyết cho dự án cụ thể nào cả”, vị cán bộ cho biết. Theo vị này, đến nay thành phố chưa quyết định theo hướng nào, còn về phía Sở Quy hoạch- Kiến trúc đã tiến hành họp bàn vài lần với các sở ngành liên quan nhưng cũng chưa có kết quả chính thức. “Việc thẩm định, cấp phép đang rất lúng túng chỉ biết trả lời với doanh nghiệp là phải chờ”, vị cán bộ nói.
Được biết, trong các cuộc họp về vấn đề này, quan điểm của các ngành chuyên môn là đề xuất với thành phố nên xử lý theo hướng đối với những trường hợp nào đã phê duyệt trước thời điểm có thông báo phải có 3 tầng hầm thì thôi không bắt buộc. Còn những dự án sau này mới bắt đầu thẩm định phê duyệt thì áp dụng.
Trao đổi với Tiền Phong, Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho rằng, việc tiếp nhận hồ sơ hành chính của Sở vẫn diễn ra bình thường. “Không phải tất cả hồ sơ bị dừng hoàn toàn, chỉ có những dự án nào mới bắt đầu triển khai thì phải xin ý kiến, phải đợi. Còn những dự án đã được phê duyệt rồi thì cơ bản đều được giải quyết cả. Lượng hồ sơ dự án rất nhiều nên không thể giải quyết như ý muốn của các doanh nghiệp”, vị cán bộ Sở này nói. Hiện Sở đã xây dựng xong bộ tiêu chí quy định rõ ràng khu vực nào làm bao nhiêu tầng hầm, trình thành phố để lấy ý kiến trước khi công bố chính thức.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, khi thực hiện quy định này, Hà Nội cần lấy ý kiến của các tổ chức chuyên môn, các doanh nghiệp liên quan để có một quy định sát với thực tế, tránh làm ảnh hưởng các doanh nghiệp và thị trường BĐS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét