Đi taxi và cả xe công
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 1997 quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô công. Theo đó, cơ quan này sẽ áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các thứ trưởng, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Mức khoán bằng giá taxi phổ biến trên thị trường nhân quãng đường từ nhà tới bộ và nhân với số ngày đi làm trong tháng (22 ngày). Như vậy, ngoài các thứ trưởng, tổng cục trưởng cũng thuộc diện áp dụng định mức khoán xe thay cho xe công đưa đón bấy lâu nay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chủ trương này của Bộ Tài chính rất phù hợp nên ông chấp hành ngay. Nhiều ý kiến cho rằng, đi làm bằng xe biển xanh (xe công) sẽ có nhiều ưu tiên hơn, thuận lợi hơn, nhưng ông Nam không nghĩ vậy. “Không biết mọi người thế nào chứ tôi thấy đi taxi cũng bình thường. Hơn nữa, việc đi taxi cũng chỉ áp dụng khi đi từ nhà tới cơ quan và ngược lại, còn họp hành, công tác khác vẫn sử dụng xe cơ quan. Chủ trương này hợp lý nên tôi sẽ chấp hành nghiêm túc”, ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay, mới biết thông tin Bộ Tài chính khoán chi phí đi lại qua báo chí, cũng chưa xem cụ thể thế nào. “Chính phủ cũng chưa có chủ trương nên tôi chưa biết thế nào, phải đợi xem”, vị lãnh đạo này nói.
Khi được hỏi, các chuyên gia, nhà kinh tế đều thể hiện sự đồng tình về chủ trương khoán xe công đi làm của Bộ Tài chính và mong điều này sẽ được nhân rộng ra các cơ quan nhà nước khác. Trước đó, năm 2006, Quốc hội từng có chủ trương thí điểm khoán chi phí đi lại, với mức khoán không quá 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chủ trương này khi đó chỉ là khuyến khích, nên có vài người thực hiện, cũng không duy trì được lâu.
TS Phạm Chi Lan cho rằng, việc khoán xe công của Bộ Tài chính sẽ tạo ý thức tiết kiệm ngân sách, giảm đáng kể chi phí so với ngân sách phải bỏ tiền trang trải chi phí xe công phục vụ chức danh (tiền mua xe, nuôi lái xe, bảo dưỡng…). “Việc khoán này cũng giảm nguy cơ lạm dụng xe công phục vụ việc riêng, gây phản cảm trong xã hội”, bà Lan nói. Theo vị chuyên gia này, điều quan trọng là chủ trương khoán xe công phải được áp dụng với tất cả các cơ quan, bộ ngành.
Theo bà Lan, trên thế giới không mấy nước có chế độ xe công như ở Việt Nam, Chính phủ thuê xe của các hãng tư nhân cung cấp dịch vụ, mà không nhất thiết phải có xe riêng. Ngay Việt Nam, cũng nhiều công ty, văn phòng nước ngoài sử dụng dịch vụ của các hãng vận tải, như thuê hãng vận tải Mai Linh đưa đón. Bà Lan kể, có lần sang Nhật Bản đi cùng Thủ tướng Phan Văn Khải, xe đưa đón là của một công ty tư nhân thầu dịch vụ với Chính phủ, chỉ Thủ tướng mới có xe của nhà nước phục vụ. Tất nhiên, vấn đề an ninh được kiểm soát chặt chẽ.
Khó như bỏ đặc quyền
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, cho hay, quyết định khoán xe công của Bộ Tài chính rất dũng cảm. Quy định này là khởi đầu cho công việc lớn, đáng hoan nghênh. Công việc lớn ở đây, theo ông Thịnh, hiện thực mục tiêu cắt giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, vì chi mua sắm và duy trì đội xe công tốn một lượng ngân sách khổng lồ. Tiếp đó, hướng tới khoán tất cả những dịch vụ công.
“Quyết định của Bộ Tài chính đáng ra phải làm lâu rồi, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa hạn chế lạm dụng xe công vào việc riêng. Tuy nhiên, cách khoán như Bộ Tài chính tỷ mỉ quá, khó cho việc áp dụng chung với tất cả những lãnh đạo sử dụng xe công”, ông Thịnh nói. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, chỉ nên đưa ra định mức nhất định cộng vào lương tháng, còn việc đi lại ra sao, bao xa do người hưởng tự quyết định.
TS Phạm Chi Lan bổ sung, tính định mức khoán xe công tỷ mỉ quá sẽ khó cho người thực hiện. Thay vì thế, chỉ áp dụng định mức trung bình cho tất cả mọi công chức, như việc áp dụng bình quân thuế với doanh nghiệp. Định mức đi lại được tính theo cơ cấu bậc lương, bậc lương cao sẽ hưởng định mức cao hơn, vì họ thường sẽ phải bỏ chi phí đi lại họp hành, kiểm tra nhiều hơn. Đồng thời, việc tính định mức đi lại vào lương cũng giúp cải thiện lương thực nhận của công chức, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tránh được việc nói lương công chức quá thấp.
“Lương người làm ngoài nhà nước có thể cao hơn vì họ được tính cả chi phí đi lại vào lương, còn lãnh đạo nhà nước đã có xe công đi lại miễn phí. Nếu tính cả chi phí đi lại vào lương, thì lương lãnh đạo nhà nước cũng không phải thấp”, bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chiến lược và Phát triển, Bộ KH&ĐT, nêu quan điểm, có nhiều yếu tố khiến những người được sử dụng không muốn rời xe công. Như đi đường, xe công được ưu tiên hơn, thậm chí có Đại biểu Quốc hội từng nói đi xe biển trắng bảo vệ không cho qua cổng. Trước đây cũng có chính sách thí điểm khoán xe công, nhưng không thành công, theo ông Bình do chính sách chưa đủ mạnh.
“Giờ quyết định luôn cấp thứ trưởng trở xuống không được sử dụng xe công đưa đón tận nhà nữa, khi đó tất cả sẽ phải nhận tiền và tự túc đi lại. Nếu không, có khoán 10-15 triệu đồng mỗi tháng cũng khó khuyến khích người ta nhận mức khoán để không sử dụng xe công”, ông Bình nói.
6 thứ trưởng dùng hết 44 triệu đồng thuê xe/tháng
Theo quyết định của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Xuân Hà, Trần Hữu Chi di chuyển từ nhà đến cơ quan khoảng 15km, mức khoán là 9,9 triệu đồng/tháng; Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Vũ Thị Mai có khoảng cách di chuyển 8km, tiền khoán là 5,3 triệu đồng; Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải phải di chuyển khoảng 6km, tiền khoán là gần 4 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền xe đưa đón cho 6 vị thứ trưởng là 44,2 triệu đồng/tháng. Quy định này sẽ áp dụng từ ngày 1/10/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét