Những người Việt ở Attapeu
Từ ngã ba Đông Dương (cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum) theo con đường xuyên tán rừng xanh nhức mắt, chạy miết hơn một giờ đồng hồ là đến tỉnh lị Attapeu, Lào.
Con đường từ biên giới dẫn vào Attapeu tuy ngoằn nghoèo nhưng được trải nhựa phẳng lì. Đường xuyên dưới những tán xanh ngằn ngặt của rừng, tịnh không thấy một mái nhà, thỉnh thoảng mới thấy dăm ba chiếc xe khách vèo qua. Bác tài quen từng khúc cua dọc con đường biên giới, nói rằng, từ ngày người Việt sang đây khai hoang, mở đất, người qua kẻ lại giữa hai nước cũng đông hơn và đường rừng bớt phần cô quạnh.
“Chục năm trước, đây là chốn thâm u hoang hóa. Khi ấy, có nằm mơ cũng chẳng ai nghĩ sự sống lại nảy nở sinh sôi ở đất này đâu”, chỉ vào cánh rừng nơi có đám công nhân đang cân mủ cao su, bác tài hồ hởi cho biết.
“Attapeu”- tiếng Lào là đường cụt. Bởi cách trở, xa xôi nên Attapeu như nàng công chúa bị bỏ quên giữa tán rừng già. Xưa kia, nơi này nước độc rừng thiêng. Người khác muốn đến thì chỉ có xuôi theo mấy dòng sông bốn mùa ngầu đỏ.
Giờ đây, ở Attapeu, rất dễ dàng gặp những người Việt sang đây làm việc. Họ đến từ khắp các tỉnh thành và phần nhiều đến từ các tỉnh miền Trung, miền Tây, nơi cuộc sống còn nhiều cam khó. Những “xóm Việt Nam” được dựng lên bởi những ngôi nhà sàn lợp ngói hiện đại mang dáng dấp kiến trúc của người Lào, nép mình dưới tán cao su, nơi thì lấp ló sau rạng cọ dầu, nhìn xa hệt như những khu resort sang trọng, xa hoa.
Hàng chục nghìn héc-ta cao su xen lẫn cọ dừa dài tít tắp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nằm dọc 2 bên đường nối vào trung tâm tỉnh lỵ Appateu: Ảnh: Nghi Điền
Ông Hiếu năm nay 43 tuổi, quê ở mãi Cao Lãnh, Đồng Tháp. Chừng 5 năm trước, nhờ người quen giới thiệu, vượt cả nghìn cây số ông tìm đến đất này. Sang đây, thấy công việc ổn định, cho thu nhập lại khá. Ông nói mình thuộc “biên chế của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai”, được tập đoàn này bố trí chỗ ăn, ở đàng hoàng ông đã về quê đưa cả gia đình sang.
“Ở quê đâu có việc gì! Làm thuê làm mướn cho người ta cũng bấp bênh lắm! Ở đây quen rồi, mỗi năm về nghỉ Tết vài ngày là thấy nhớ, lại muốn sang ngay”, ông Hiếu tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: “Đối với chúng tôi, nông trường chính là nhà”. Ảnh: Nghi Điền.
Tính đến nay, anh Hiếu đã gắn bó với Hoàng Anh Attapeu gần mười năm ròng. Với thu nhập ổn định hơn chục triệu đồng mỗi tháng, anh Hiếu bảo, cuộc sống gia đình đã thực sự “thay da đổi thịt”. “Tôi tính dành dụm thêm vài năm nữa thì sẽ về quê dựng nhà đàng hoàng cho bằng bạn bè, anh em”, anh Hiếu chia sẻ. Sống ở đất bạn Lào được mấy năm, thấy Attapeu làm ăn tốt, anh Hiếu về quê đón cả vợ sang. Vợ anh giờ làm căng - tin của công ty, thu nhập cũng hơn 6 triệu đồng.
“Bên kia biên giới là nhà, bên đây biên giới cũng là quê hương”, đó là suy nghĩ của nhiều lao động Việt Nam đang sống và làm việc tại Attapeu.
Lê Văn Thiên (20 tuổi), nói vừa rời Kon Tum được 3 tháng để sang Attapeu lập nghiệp. Nơi mà Thiên đầu quân là Nông trường 16 của Hoàng Anh Gia Lai. Thiên nói mình bỏ học từ cấp 3, đã làm nhiều nghề, từ phụ hồ cho tới chăn bò thuê để phụ giúp gia đình nhưng vẫn ‘không đủ ăn’. Nghe lời một người bạn, Thiên sang làm việc cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Nông trường với mức lương khởi điểm 375 USD/ tháng (khoảng hơn 8 triệu đồng). Thiên cho biết em đã từng bất ngờ với mức thu nhập trên, bởi ở Việt Nam thì “không biết làm gì cho ra 4-5 triệu đồng/ tháng”.
Những em bé, con của cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong các đồn điền cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Attapeu được các giáo viên ở đây nuôi dưỡng, chăm sóc. Ảnh: Nghi Điền
Trước khi những công nhân người Việt đến làm việc và sinh sống Attapeu - ông Ounla sayasith, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Attapeu - cho biết đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn các quốc gia khác tìm đến với hi vọng “đánh thức” tiềm năng Attapeu. Tuy nhiên, sau nhiều ngày lần hồi thăm dò, tìm hiểu tất thảy đều lặng lẽ rút lui, không “trống dong cờ mở” như khi họ đến.
Đó là tình hình của 10 năm trước, còn bây giờ, theo ông Ounla, chỉ riêng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được giao và trồng 25 nghìn héc-ta cao su, 10 nghìn héc-ta mía đường và cọ dầu, 4 nghìn héc-ta cây ăn quả. Ngoài những dự án trồng cây công nghiệp, cây ăn quả thì dự án nuôi bò lấy thịt của Hoàng Anh Gia Lai cũng đem lại những thành quả đáng mừng.
Hiện tại đang có hàng nghìn lao động người Việt đang làm việc tại 50 nông trường của Hoàng Anh Gia Lai trên đất Attapeu. Và trong tương lai không xa, khi các bộ phận của dự án này được vận hành thì sẽ thu hút tới hơn 15.000 lao động.
Ngôi làng của công nhân Việt đang làm việc cho Hoàng Anh Gia Lai ở Attapeu nhìn từ xa như khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các vùng quê yên bình. Ảnh: Nghi Điền.
“Hoàng Anh Gia Lai cũng là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không chỉ ở Attapeu mà còn trên cả nước Lào. Họ đầu tư sản xuất nông nghiệp rất bài bản, tạo ra sản phẩm thực sự chứ không như nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác, chỉ khai thác khoáng sản rồi bỏ đi sau khi cạn kiệt. Người dân Lào bởi vậy học tập được rất nhiều từ người Việt Nam, nhất là tác phong làm việc chuyên nghiệp. Từ chỗ canh tác tự cung tự cấp, muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ, không có kỉ luật nghề nghiệp gì, thì giờ đây công nhân Lào thức dậy vào 4h sáng để làm ca cạo mủ cao su là chuyện bình thường”, ông Ounla cho biết.
Theo ông Ounla, khi Hoàng Anh Gia Lai chưa đến, thu nhập của người dân chỉ chừng 500-600 USD/ năm. Nhưng giờ, thu nhập đã lên tới 1.700 USD/người/năm.
Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu Ounla Xayasith. Ảnh: Nghi Điền
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng chia sẻ, bây giờ sang Lào, Camphuchia hay thậm chí Myanmar chúng ta rất tự hào vì có mặt những doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở đấy. Chưa kể đến mục tiêu kinh tế, sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam tại các nước láng giềng còn mang sứ mệnh chính trị, an ninh quốc phòng.
Dưới góc nhìn kinh tế, tiến sĩ Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển – Bộ KH&ĐT) dù thừa nhận khi doanh nghiệp gặp khó khăn và phải bán tài sản là điều đương nhiên, nhưng với Hoành Anh Gia Lai, ông lưu ý “phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”.
Theo TS Hồ, Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp tư nhân, việc gặp khó khăn rồi phải bán bớt tài sản để trả nợ là ‘tất lẽ dĩ ngẫu’. Không có quyền ép họ không được bán. Tuy nhiên, với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn ở các tỉnh phía Nam Lào, giáp với Việt Nam, câu chuyện lúc này không đơn thuần chỉ là kinh tế nữa, mà còn để đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định biên giới Việt – Lào, bởi vậy sự can thiệp của Nhà nước là không thể tránh khỏi.
Cũng theo TS Hồ, nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài, lời nói của ông Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – PV) sẽ thành sự thật, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải bán hàng chục nghìn hec-ta cao su tại Nam Lào, thì lúc này chắc chắn ai trả giá cao nhất thì ông Đức sẽ ưu tiên bán cho người đó. Vì, họ là doanh nghiệp tư nhân.
Báo cáo thường niên của Hoàng Anh Gia Lai 2016, cho biết tập đoàn này sở hữu 22.000 héc-ta cao su tại Lào, mà cụ thể là Attapeu, vùng đất có vị trí chiến lược với Việt Nam cùng rất nhiều lao động đang làm việc tại đó. Số phận những công nhân như ông Hiếu, anh Thiên, liệu họ có còn được lựa chọn “đi hay ở” nếu diện tích cao su nói trên được chuyển nhượng?. Nếu chủ sở hữu tìm được đối tác “trả giá cao nhất”, khi đó, những công nhân này sẽ phải rời “biên chế” của Hoàng Anh Gia Lai để nhường chỗ cho doanh nghiệp nào đó của Trung Quốc tiếp quản 20.000 héc-ta cao su nằm ngay ngã ba Đông Dương đầy nhạy cảm.
Phó chủ tịch tỉnh Attapeu (Lào), ông Ounla sayasith, cho biết, tỉnh đã cấp cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai gần 40.000 héc ta đất để trồng cao su, mía đường, nuôi bò. Ông nói rằng muốn tập đoàn đến từ phố núi Pleiku “đi hết con đường đã chọn. Không chỉ cán bộ mà toàn bộ người dân ở đây đều mong muốn như vậy”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét