Theo ông Nguyễn Văn Được, đại diện Công ty Trọng Tín (Bình Dương), BHXH, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn đang là gánh nặng của các DN, làm tăng chi phí 7-10%, giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến tái sản xuất.
“Chính sách bảo hiểm vẫn còn bất cập, đơn cử như người lao động bị tai nạn, muốn cơ quan BHXH chi trả phải có văn bản kết luận của cơ quan công an, thời gian giải quyết kéo dài, gây khó khăn cho người lao động. Tại sao không giải quyết ngay nếu người sử dụng lao động, công đoàn cơ sở, người làm chứng… xác nhận”, ông Được thắc mắc.
Bà Hồng Liên, đại diện Công ty PouYen (TPHCM) cho biết, với 80.000 lao động đang làm việc tại DN, việc mang sổ bảo hiểm của người lao động lên cơ quan BHXH để đối chiếu là rất nhiêu khê, tốn kém, mất thời gian. Sổ BHXH có tờ rời, người lao động bảo quản không kỹ, việc đối chiếu, cập nhật rất khó khăn.
Một số DN cho rằng, quy định bắt buộc thu gom sổ bảo hiểm về nộp cho BHXH là làm khó người lao động, vì có người có 5-6 sổ bảo hiểm. Trong khi đó, thông tin về đóng BHXH của người lao động, cơ quan BHXH đã có dữ liệu trên hệ thống.
Bà Phượng, đại diện Công ty Poster (Bình Dương) cho biết, DN mỗi tháng có 3 đợt tăng nhân sự, mỗi đợt gần 1.000 người. Việc sử dụng phần mềm, cập nhật dữ liệu bảo hiểm gặp nhiều khó khăn vì người lao động ở các tỉnh, công ty chưa có địa chỉ mới nhất và phải nhập mã tỉnh nên rất vất vả, nhiêu khê.
“96% lao động trong DN là nữ. Bảo hiểm thai sản rất khó khăn. Nếu người lao động nghỉ hộ sản đầu tháng 11 thì phải chờ đến hết tháng 12 mới được đổi thẻ bảo hiểm. Quy định này gây nhiều khó khăn cho đơn vị và các chị em”, bà Phượng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết DN không còn chen chúc, xếp hàng chờ lấy số thứ tự làm thủ tục nộp hồ sơ, nhận kết quả tại cơ quan BHXH, không còn mất thời gian đi lại, chờ đợi như trước. Thời gian làm thủ tục BHXH của DN từ 335 giờ/năm vào cuối 2014 đã được rút ngắn còn 52 giờ, giảm được 283 giờ.
Tuy nhiên, mức đóng bảo hiểm bắt buộc còn cao đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu xét trên tỷ lệ đóng góp thực tế của DN về các khoản đóng góp BHXH thì Việt Nam là quốc gia đóng mức cao nhất trong khu vực, chiếm 22%, trong khi Malaysia: 13%, Philippines: 10%, Indonesia: 8%, Thái Lan: 5%. Gánh nặng BHXH gây khó khăn, tăng chi phí nhân công, góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của DN tại Việt Nam so với khu vực.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN thừa nhận kiến nghị của nhiều DN rất xác đáng. Hiện nay, BHXH VN chưa có cơ quan tư vấn như ngành thuế nên quá trình giải quyết nhiều sự vụ chưa chuyên nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét