Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Khổ như… đi du lịch

Hướng dẫn viên đang hướng dẫn một đoàn du khách tham quan Hàn Quốc. Ảnh: Đức Nam.Hướng dẫn viên đang hướng dẫn một đoàn du khách tham quan Hàn Quốc. Ảnh: Đức Nam.

Trăm triệu thế thân, phân biệt vùng miền

IVIVU.com, hệ thống đặt phòng khách sạn và tour trực tuyến của Tập đoàn Thiên Minh. Mới đây, IVIVU đưa ra một số quy định khi khách đặt tour Việt Nam - Hàn Quốc 4 ngày 4 đêm. Theo IVIVU, tour này không nhận khách có nơi sinh khu vực Thanh Hóa, Quảng Bình. Khách hàng phải đặt cọc 6 triệu đồng để làm visa Hàn Quốc. Khoản phí này sẽ không được hoàn lại nếu khách hàng được cấp visa, nhưng hủy tour, hoặc nộp hồ sơ gốc khác với hồ sơ đăng ký ban đầu. IVIVU còn quy định: “Nếu khách chưa đủ tuổi đi làm bắt buộc phải đóng 5 nghìn USD ký quỹ nhằm đảm bảo không trốn tại Hàn Quốc. IVIVU sẽ hoàn trả khoản tiền này sau khi khách kết thúc chương trình tour và trở về Việt Nam”.

Lý giải việc này, một đại diện của IVIVU cho biết: “Những khách hàng từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình xin visa Hàn Quốc rất khó. Vì những du khách này hay bỏ trốn khi sang Hàn Quốc”. Vị đại diện này cũng cho biết, IVIVU hoạt động được 2 năm nay, và từ đấy đến nay cũng chưa ký hợp đồng du lịch Hàn Quốc với du khách nào đến từ hai địa phương trên.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietfoot Travel cho biết, 4 năm nay, công ty đều yêu cầu khách hàng ký quỹ cho bất kể trường hợp nào cảm thấy nghi ngờ với mức thấp nhất là 250 triệu đồng. Theo ông Nghĩa, hiện việc trốn đi nước ngoài bằng con đường du lịch đang gia tăng.

Ngoài ra, hướng dẫn viên còn giữ hộ chiếu gốc của khách. “Bản thân điều này sẽ gây bực bội cho khách hàng nhưng phải chấp nhận để giảm thiểu khách bỏ trốn cũng như giữ uy tín của doanh nghiệp. Đôi lúc vì quá cẩn thận trong việc sàng lọc cũng loại bỏ nhầm khách”, ông Nghĩa cho hay.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, việc các công ty lữ hành đưa ra những quy định trên một phần vì thói hư tật xấu của người Việt khi du lịch. Hướng dẫn viên bên công ty ông không khác gì “bảo mẫu” canh chừng từng bữa ăn, giấc ngủ. Đặc biệt, những lúc đi mua sắm là cơ hội cho nhiều du khách trốn nên hướng dẫn viên mắt “đảo như bi” và lập tức báo cho cảnh sát nếu như không thấy du khách.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist kể lại, công ty gặp phải 2 trường hợp du khách nghi ngờ bỏ trốn khi dẫn đoàn đi Úc và báo ngay cho Đại sứ quán. Tuy nhiên, phía Đại sứ quán vẫn cho đi và khi qua Úc đã mất tích. Sau vụ việc đó, trong các hoạt động kinh doanh của mình, các hướng dẫn viên du lịch tại đây được hướng dẫn trông chừng khách đi tham quan với những đôi mắt như “cú vọ”. Ông Kế cũng thừa nhận, không ít trường hợp bỏ trốn do hướng dẫn viên thông đồng. Nếu liên tiếp trong đoàn có tư vấn và hướng dẫn viên để khách bỏ trốn công ty phải cho nghỉ việc.

Xúc phạm, coi thường du khách

Liên quan đến trường hợp của IVIVU từ chối nhận khách đến từ Thanh Hóa, Quảng Bình, bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng Marketing Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định việc này quá vô lý, có sự phân biệt đối xử. “Có thể IVIVU không an tâm đối với khách đến từ 2 địa phương trên nhưng chúng tôi không đồng ý với chủ trương này” – bà Trang chia sẻ.

Cũng theo bà Trang, trong quá trình sàng lọc khách, nếu lo ngại, các công ty có thể yêu cầu bổ sung nhiều hồ sơ hơn chứ không được nói thẳng ra như vậy. Về quy định khách phải ký quỹ, theo bà Trang là thỏa thuận dân sự giữa công ty với khách, chứ luật pháp Hàn Quốc không có quy định này.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, Đoàn Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đã phạt 20 triệu đồng về hành vi “Thu tiền ngoài hợp đồng hoặc các hành vi thu lợi bất chính khác từ khách du lịch” đối với Công ty Thái Việt. Công ty này ký hợp đồng với bà Phan Thị Minh Sâm ở Kon Tum tour Việt Nam - Hàn Quốc 7 ngày 6 đêm với tổng giá trị 47 triệu đồng/2 người. Công ty Thái Việt còn thu các khoản ngoài hợp đồng gồm: 4 nghìn USD đặt cọc chương trình đi Hàn Quốc, 20 triệu đồng cọc làm visa, 10 triệu đồng để đổi tiền Hàn Quốc.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, khách đi du lịch trốn ở lại là vi phạm pháp luật. Vì lo sợ điều đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành nâng điều kiện như: yêu cầu ký quỹ, giữ hộ chiếu gốc trong quá trình du lịch... Đây là giải pháp cực đoan, đánh đồng du khách với nhau. “Việc ký quỹ không chỉ đơn giản là tiền mà đó còn là một hình thức xúc phạm, coi thường du khách. Bản thân tôi nếu đi du lịch mà phải ký quỹ tôi cũng từ chối vì cảm thấy mình không được tôn trọng” – ông Siêu chia sẻ.

Cũng theo ông Siêu, các doanh nghiệp lữ hành bằng kinh nghiệm của mình có thể sàng lọc khách hàng ngay từ khi đăng ký hồ sơ. Nếu cảm thấy nghi ngờ người nào đó trong đoàn thì buộc du khách ký quỹ hay quản lý chặt khi đi du lịch, những người còn lại trong đoàn phải được đối xử xứng đáng. “Người ta mất tiền khi đi du lịch nhưng không cảm thấy thoải mái sẽ không bao giờ đi du lịch nữa. Điều này khiến ngành du lịch càng khó khăn”, ông Siêu cho hay.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ phân tích, các công ty lữ hành không được phép ký quỹ dưới bất kỳ hình thức nào vì luật không cho phép. Việc ký quỹ như một hình thức chiếm dụng vốn của du khách. “Mặc dù các công ty du lịch đều cho rằng, tiền ký quỹ để vào két và khi du khách về trả lại ngay nhưng trong khoảng thời gian đó ai giám sát được công ty dùng tiền của khách vào việc gì. Bên cạnh đó, việc du khách bỏ trốn công ty lữ hành được toàn quyền sử dụng số tiền đó là điều vô lý và không minh bạch”, ông Quyền nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét